Công ty TNHH sản xuất phân bón Phượng Hoàng

Bán giá rẻ nhưng vì sao tiêu Việt Nam vẫn khó tiêu thụ?

Bán giá rẻ nhưng vì sao tiêu Việt Nam vẫn khó tiêu thụ?

          Trong bối cảnh cung vượt cầu, tiêu đen Việt Nam dù xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị thu về lại thua Campuchia, Thái Lan. Trong khi đó, với tiêu trắng, nhiều khách hàng Trung Quốc đã từ chối các hợp đồng của Việt Nam và chuyển sang nguồn cung khác dù giá tiêu Việt Nam rẻ hơn. Đó là thực trạng đáng buồn mà ngành hồ tiêu Việt Nam đang gặp phải, hiện giá đã giảm sâu so với nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng để cạnh tranh chỉ còn cách duy nhất là nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho ngành.

 

          Rẻ vẫn khó bán

 

          Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước những ngày đầu tháng 6 tăng tại hầu hết các tỉnh/huyện khảo sát so với cuối tháng 5, trừ tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này nhiều khả năng sẽ không bền vững do nguồn cung từ vụ thu hoạch trước vẫn còn nhiều, trong khi nhu cầu không lớn.

 

        Chốt phiên giao dịch ngày 9/6, tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu đen giao dịch ở mức thấp nhất là 56.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai và mức cao nhất 59.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với giá tiêu xuất khẩu, tại cảng Tp.HCM, giá hạt tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l ổn định ở mức 2.700 USD/tấn và 3.000 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng ở mức 4.400 USD/tấn.

 

          So sánh với thị trường quốc tế, Bộ Công Thương cho biết, tại cảng Lampung của Indonesia, giá hạt tiêu đen ngày 8/6 ổn định so với cuối tháng 5, giao dịch ở mức 3.400 USD/tấn. Tại cảng Pkl Pinang, giá hạt tiêu trắng đạt mức 4.800 USD/tấnTại cảng Kuching của Malaysia, giá hạt tiêu đen ngày 8/6 giao dịch ở mức 3.245 USD/ tấn; giá hạt tiêu trắng giao dịch ở mức 4.817 USD/tấn.

 

          Giá tiêu trắng của Việt Nam đang được rao bán rẻ hơn của Indonesia và Malaysia, nhưng Bộ Công Thương cho biết nhiều khách hàng Trung Quốc đã từ chối các hợp đồng hạt tiêu trắng của Việt Nam và chuyển sang nguồn cung từ hai quốc gia này. Trong khi đó, về tiêu đen, Việt Nam được xem là cường quốc xuất khẩu số một, dẫn đầu về khối lượng, nhưng giá tiêu Việt Nam vẫn bị trả rẻ hơn các nước khác.

 

         Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group kiêm Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hiệp quốc, từng so sánh: cùng là tiêu nhưng tiêu đen của Campuchia bán với giá 15 USD/kg, Thái Lan bán 6 USD/kg, còn Việt Nam chỉ bán 5,04 USD/kgÔng Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang chọn mua hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil do giá hàng có xuất xứ từ nước này rẻ hơn giá trong nước 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Brazil rất rẻ, chỉ 2.000 – 2.500 USD/tấn.

 

          Hàng năm, ngành hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu một lượng tiêu chất lượng cao sang các thị trường khó tính với giá cao, nguyên liệu làm nên những sản phẩm này chủ yếu phải nhập từ Campuchia, Indonesia… doanh nghiệp buộc phải nhập từ nước ngoài vì hồ tiêu của các quốc gia này được sản xuất theo hướng hữu cơ, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

 

          Ông Hải cho biết trong những năm trước, quý I thường là thời điểm giao dịch hồ tiêu sôi động, nhưng quý I năm nay, nhiều nhà nhập khẩu thường dựa vào lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa ra những dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp.

 

Giá tiêu xuất khẩu giảm mạnh từ năm 2017 đến nay

          Phải xây chuỗi liên kết

 

          Ngoài ra, trong quý I, giá đi xuống liên tục là do cao điểm vụ thu hoạch, nông dân bán ra ồ ạt khiến nguồn cung trong ngắn hạn tăng đột biến. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc phát triển diện tích cây hồ tiêu trong những năm qua vượt quá tầm kiểm soát dẫn đến tình trạng bùng phát dịch hại, chất lượng không ổn định và khủng hoảng về lượng tồn dư. Hiện, diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 152.668ha, vượt quy hoạch định hướng của Bộ NN&PTNT đến năm 2030hơn 300%. Điều này dẫn tới, nhiều năm qua, doanh nghiệp liên tục bị bên mua ép giá, hàng rào kỹ thuật tại các thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nâng lên.

 

          Bộ NN&PTNT cho rằng tại Việt Nam, người trồng tiêu ồ ạt chạy theo số lượng, ồ ạt mở rộng diện tích trong khi không ý thức được việc nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị trong mỗi sản phẩm của mình. Việc mở rộng diện tích vượt quá quy hoạch, chạy theo sản lượng đã khiến người trồng tiêu phải trả giá đắt. Bên cạnh đó, tăng nóng diện tích khiến khối lượng tiêu cung vượt cầu và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam phần lớn ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm dẫn đến giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu.

 

          Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, ngành hồ tiêu cần ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhằm kiểm soát diện tích, cắt giảm chi phí sản xuất… cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững mà ngành hồ tiêu cần lưu ý trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng như hiện nay.

 

"Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển chất lượng hồ tiêu Việt Nam cũng như nghiên cứu phát triển thương hiệu hồ tiêu Việt Nam và quảng bá chất lượng hồ tiêu Việt Nam ra thế giới để người tiêu dùng hiểu hơn và có thể tiếp cận với những sản phẩm hồ tiêu Việt Nam", Bộ NN&PTNT yêu cầu.

 

          Cùng với việc đẩy mạnh những mô hình liên kết chuỗi giữa các nhà vườn, doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu trong việc điều tiết thị trường, quảng bá, khẳng định thương hiệu và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Ngoài ra, ông Pascal Billlaud cho rằng giá hồ tiêu Việt bị trả rẻ vì Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng suất cho người trồng. Các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng chưa được khai thác triệt để.

 

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Trước thực trạng thị trường trong nước bão hòa, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để đưa sản phẩm cuối cùng của hồ tiêu vào các siêu thị và nhà hàng nhưng sức tiêu thụ nội địa khó tăng mạnh do ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến trong nước chưa được phát triển. Chỉ có một con đường là ngành này cần đi theo hướng sản xuất bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu, từ đó không chỉ xuất khẩu hiệu quả mà còn khai thác được thị trường trong nước.


Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Ngành nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu ngành hàng hồ tiêu, trước hết cần phải giảm diện tích để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết chuỗi. Đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững cho ngành hàng này. Nếu không liên kết với nông dân, các doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.


Ông Willem Van Walt Meijer - Tổng Giám đốc điều hành công ty Nedspice Việt Nam

Nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ nên việc kiểm soát chất lượng không dễ, nhưng ngành hồ tiêu cần làm cho được vấn đề truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, tiêu Việt mới bán được giá cao, uy tín thương hiệu hồ tiêu Việt Nam mới thực sự được nâng lên.

 

Nguồn - Thời báo kinh doanh