Công ty TNHH sản xuất phân bón Phượng Hoàng

Cục trồng trọt lên tiếng về việc thương lái thu mua rễ Tiêu

Cục trồng trọt lên tiếng về việc thương lái thu mua rễ Tiêu

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn khẳng định không có chuyện chặt tiêu lấy rễ bán Trung Quốc sau hàng loạt thông tin dân trồng tiêu ở tỉnh Đồng Nai thu gom rễ bán cho thương lái.   Các hộ dân chỉ thu gom rễ tiêu khi cải tạo, tái canh hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác - Ảnh: B.A Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 17-5, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Sơn cho biết ngày 16-5, cục đã cử cán bộ kiểm tra tại các hộ dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.    "Qua kiểm tra cho thấy đây đều là các vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không cao. Tính ra, giá trị tiêu bán ra không đủ bù đắp chi phí nhân công, phân bón...   Các hộ ở đây đều khẳng định việc bán rễ tiêu chỉ thực hiện khi cải tạo, nhổ bỏ vườn tiêu bệnh, vườn tiêu già cỗi để tái canh tác bằng cây mới hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác.    Họ gom bán cho thương lái nhằm bù đắp một phần chi phí để cải tạo lại vườn tiêu chứ không có chuyện ham tiền mà đi đào rễ tiêu lên bán, vì lượng rễ tiêu thu được rất ít. Cho đến thời điểm này, tình trạng thu gom rễ hồ tiêu để bán cho thương lái đã không còn diễn ra", ông Sơn cho biết.   Ông theo ông Sơn, trong ngày 16-5, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đề nghị thực hiện tốt việc vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh, không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.   Trước đó, ông Lê Đình Hưng - phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - xác nhận có tình trạng thương lái mua rễ tiêu trên địa bàn xuất sang Trung Quốc làm thuốc bắc.   Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo tình hình thu gom gốc rễ cây hồ tiêu trên địa bàn gửi các huyện, thị, thành trên địa bàn.   Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, việc mua gốc rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nguồn : Báo Tuổi Trẻ
Kỉ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 19/05/1890 - 19/05/2018 )

Kỉ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 19/05/1890 - 19/05/2018 )

  Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính, được nhân loại biết đến và kính nể thì mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế. Bác Hồ – một con người giản dị, nhưng toát lên linh hồn của cả một dân tộc.        Một con người – Một cuộc đời – Một dân tộc Nói đến Việt Nam, bè bạn quốc tế đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về Người bằng tình cảm tôn trọng và khâm phục. Từ lâu, hình ảnh của Người trong tâm trí bạn bè quốc tế đã là hình ảnh của một nước Việt Nam thu nhỏ, một dân tộc anh hùng, ở đó con người thật hiền hoà, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, nhưng cũng vô cùng dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho chính mình. Biết về Bác, thăm quê Bác, thăm ngôi nhà Bác đã từng sinh sống khi nhỏ, theo dấu chân bác trên suốt con đường hoạt động cách mạng qua các di tích, được nghe kể về Bác… chúng ta càng thấy kính nể Người hơn và thấu hiểu tại sao cả dân tộc Việt Nam coi Người như vị Cha già dân tộc, thờ ảnh Người ở những nơi trang trọng nhất và gọi Người bằng cái tên gần gũi nhất. Không ai có thể đếm được hết các vì sao trên bầu trời, bởi mỗi vì sao đó là hiện thân, là hiện hữu cho chính công lao, cho tình cảm mà Bác đã dành cho cả dân tộc Việt Nam chúng ta.       Cái giản dị trong phong cách sống của Bác đã tạo nên hình ảnh về một vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi với dân. Giản dị thôi, nhưng không hề giản đơn, bởi bên trong chính một con người giản dị đó là một trí tuệ vĩ đại, một thiên tài về nghệ thuật quân sự, một nhà văn hoá có tầm nhìn rộng. Đó cũng là hiện thân của một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Một vị lãnh tụ đáng kính với căn nhà ba gian (Nhà 58 – Khu Di tích Phủ Chủ tịch), hay sau đó là một ngôi nhà sàn đơn sơ. Nếu có ai đó được biết đến các giai thoại về mấy lần chuyển nhà của Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch thì còn có thể hiểu sâu sắc hơn nữa cái chất giản dị nơi Bác. Chính sự giản dị đó đã làm kinh ngạc bao vị khách cao cấp quốc tế, các nhà báo nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Đặc biệt khi vào thăm căn nhà 67 tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng, không ai khỏi bùi ngùi thương Bác. Thương Bác bởi Bác không còn với chúng ta nữa, thương Bác bởi Bác không thể được hưởng trọn niềm vui toàn thắng của dân tộc. Càng thương Bác ta càng thấy tôn trọng Bác hơn, yêu Bác hơn, tự hào về Bác hơn, tự hào về dân tộc Việt Nam của chúng ta hơn. Cuộc đời hoạt động cách mạng, hiến dâng đời mình cho lý tưởng cách mạng đã phác hoạ cả một giai đoạn lịch sử của một dân tộc từ bùn đen nô lệ vùng lên giành lại tự do, làm gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Người là kết tinh của dân tộc, là đại diện tiêu biểu nhất cho một dân tộc. Một con người – Muôn vàn tình yêu thương Cả cuộc đời, Bác đã dành trọn tình yêu thương của mình cho đồng loại, cho dân tộc. Đó là một thứ tình cảm được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hi sinh cao cả nhất: Bác sẵn sàng nhường miếng cơm ít ỏi của mình cho người khác, bớt lại từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn, hi sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Đó là những tính cách đã đi vào bản chất của mỗi con người Việt Nam, được tôi luyện qua lửa đạn chiến tranh, qua gian nan đời thường. Nhưng ở Bác cái thứ tình cảm đó dường như có gì đó thiêng liêng hơn, trân trọng hơn, không bởi một lẽ Bác là lãnh tụ của chúng ta.        Người dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt của mình cho các em nhỏ, các cụ già, những người tàn tật. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác không phải bột phát, nó cứ thường xuyên, tự nhiên như chính một thành tố cố hữu tạo nên tính cách một con người. Ở Bác có cả một biển cả tình yêu bao la không bao giờ cạn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành tình yêu vô bờ bến của mình cho nhân loại, cho nhân dân, Người còn là một nhà thơ. Thơ của Bác có tình yêu thiên nhiên, nhưng phảng phất trong từng vần thơ đó là một tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc (khi xa), là một tinh thần thép, lạc quan vào thành công tất yếu của sự nghiệp cách mạng. Có ai ngắm một bông hoa nở cũng một dạ nghĩ về sự nghiệp giải phóng dân tộc? Có ai bị gông cổ, xích chân, lê bước trên đường dài mệt mỏi mà vẫn có thể sáng tác ra được những câu thơ lạc quan, yêu đời? Phải có một tinh thần, phải có một ý chí, môt nghị lực và trên hết là phải có một tình yêu. Tình yêu đó dành cho ai, tất cả chúng ta đều biết. Một con người – Một tư tưởng lớn Chất giản dị trong bộ quần áo nâu, đôi dép cao su đã làm nên một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, một nhà tư tưởng lớn. Cả thế giới biết đến điều đó, và chúng ta thấy tự hào về điều đó. Sự vận dụng các lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo và thực tiễn cách mạng Việt Nam; sự khéo léo trong kết hợp sức mạnh các bộ phận dân tộc, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự khéo léo, có tầm nhìn xa trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế, mối quan hệ với các nước láng giềng, hay với các nước XHCN anh em… tất cả những cái đó được hội tụ trong con người Hồ Chí Minh. Thực tế tuyên truyền, vận dụng và đúc kết các vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta lại lần nữa chứng minh phẩm chất cao đẹp, vĩ đại trong con người Bác.         Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, chúng ta lại càng nhớ Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác mà như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: “… Mong manh áo vải hồn muôn trượng Hơn tượng đồng soi những lối mòn…”. Bác Hồ – cái tên gọi thật đỗi thân thương, gần gũi. Bác Hồ – một tư tưởng lớn trong một con người giản dị. Bác Hồ – vị lãnh tụ của chúng ta, là kết tinh văn hoá của cả dân tộc Việt Nam. Bác Hồ – Người mãi mãi cùng chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.   Theo Ban CTCT&CTSV